8/6/23

Chợ phiên trên Sông Đà không chỉ đơn giản là nơi trao đổi hàng hóa, nó còn trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu tinh thần đậm nét văn hóa vùng sông nước

Huyện Phù Yên là 1 trong 6 huyện của tỉnh Sơn La thuộc diện di chuyển để xây dựng thủy điện Hòa Bình. Đối với huyện Phù Yên thì có 8 xã, đó là: Tường Thượng, Tường Hạ, Tường Tiến, Tường Phong, Tân Phong, Bắc Phong, Nam Phong và Đá Đỏ. Ngoài số dân đã chuyển đến nơi tái định cư mới thì số dân cư ở lại di vén sống ven 2 bên bờ Sông Đà, hình thành khu vực dân cư sinh sống, mưu sinh trên lòng hồ Sông Đà, giao thông đi lại cũng như giao thương hàng hóa chủ yếu trên sông nước. Chính vì vậy chợ phiên Sông Đà đã được hình thành.


Chợ phiên Sông Đà tại xã Tường Tiến (Phù Yên, Sơn La). 

Chợ phiên một tháng ba phiên (lần)

Dọc theo Sông Đà thuộc địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La), chợ phiên Sông Đà một tháng có 3 phiên, cách một đoạn sông khoảng 1 - 2 xã thì có một chợ và các chợ thường tổ chức so le các ngày trong tháng. Hầu như xã nào cũng có một điểm chợ là các bến nước, bến thuyền, nơi các tàu, thuyền chở hàng từ xuôi lên. Chợ phiên tại các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình thuộc địa bàn huyện Phù Yên thường họp so le vào các ngày trong tháng, cụ thể: tại xã Nam Phong, chợ phiên họp vào buổi sáng các ngày 3,13,23; buổi chiều, các thuyền lại di chuyển lên xã Bắc Phong; ngày 4,14,24 lại di chuyển lên xã Đá Đỏ; ngày 6,16, 26 là điểm cuối tại xã Tân Phong rồi lại quay vòng lại theo lịch họp tháng tiếp theo.
Nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng sông nước

Chợ phiên Sông Đà là những bãi đất rộng sát bến sông hoặc có thể là nơi các thuyền chở hàng neo đậu cạnh bến sông, các chủ thuyền kinh doanh bắc một chiếc cầu nhỏ để mọi người lên thuyền xem, mua hàng. Những ngày có chợ luôn đông vui, nhộn nhịp, người mua, người bán, trên bến, dưới thuyền tấp nập. Thương lái đến từ khắp các tỉnh, trong đó nhiều nhất là các thương lái Phú Thọ, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng, Nam Định. Các mặt hàng ở chợ phiên khá phong phú, đa dạng phục vụ người dân, từ cái kim, sợi chỉ, các mặt hàng khô, hàng thiết yếu, quần áo, giày dép, đến những mặt hàng điện tử đắt tiền.

Buôn bán tại các chợ phiên sông Đà cách được 12 năm, Chị Nguyễn Thị Định, chủ một thuyền hàng đến từ tỉnh Hòa Bình cho biết: Thuyền của tôi trọng tải lớn nên các mặt hàng đa dạng, phong phú, trên thuyền có đủ các mặt hàng phục vụ bà con, từ các thiết yếu như mắm muối, mỳ chính, dầu ăn, bánh kẹo, đường sữa, hàng mỹ phẩm, đến các mặt hàng đắt tiền như đồ điện tử: tăng âm, loa đài, nồi cơm điện, chảo điện, bóng điện, dây điện, điện thoại đủ cả.


Clip: Đặc sắc chợ phiên Sông Đà, nét văn hóa vùng hồ thủy điện Hòa Bình

Thuyền của chị Định như một siêu thị di động trên mặt nước, rong ruổi cả tháng trên lòng hồ Sông Đà, từ Hòa Bình lên các chợ ở Sơn La, hết phiên lại quay về đóng hàng. Ngoài bán các hàng thiết yếu phục vụ bà con, mỗi phiên chợ, chị Định còn thu mua các loại hàng nông sản của người dân như: buồng chuối, khoai, sắn, giong riềng, con lợn, con gà. Theo chị Định, đây là những sản phẩm sạch được người dân sản xuất tự nhiên nên rất được người dưới xuôi ưa chuộng.

"Chị đi chợ phiên như một thói quen không thể bỏ, phiên nào không đi thấy rất nhớ nhung vì chợ phiên không chỉ là nơi giao thương mua, bán các mặt hàng, sản phẩm giữa thương lái và người dân, mà còn là nơi chị được gặp gỡ, giao lưu với người dân bản địa thật thà, chất phác, được chia sẻ, hiểu thêm những giá trị văn hóa đặc sắc của bà con vùng hồ Sông Đà. Đến với phiên chợ, chị được hòa mình trong khí sôi động, ồn ào, tìm kiếm những câu chuyện với mọi người", chị Định nói.
Thuyền hàng của thương lái như một siêu thị di động trên mặt nước đa dạng các loại sản phẩm.

Chợ phiên họp, nơi đây hội tụ nhiều loại sản phẩm của bà con địa phương, từ mớ rau, con cá, các loại vật nuôi để bán và mua lại những mặt hàng cần thiết như gạo, mắm muối, mì tôm, quần áo, giày dép, dầu gội…. Từ khi rời lòng hồ Hòa Bình lên sườn núi, gạo đối với người dân nơi đây trở nên vô cùng quý giá, họ hầu như không thể trồng được lúa trên các sườn đồi khô cằn sỏi đá vốn chỉ hợp với trồng ngô, trồng sắn và phiên chợ nào họ cũng phải mang theo bao tải để đong gạo. Chợ phiên chỉ họp trong vòng khoảng 2 tiếng, từ 7-9 giờ sáng nên những ngày có chợ phiên, người dân háo hức, thường dậy từ rất sớm để đến chợ vào khoảng 6-7 giờ sáng.

Tại phiên chợ xã Tường Tiến. Chúng tôi gặp anh Giàng A Lềnh, bản Suối Vạch, xã Kim Bon (Phù Yên, Sơn La), anh Lềnh cho biết: Phiên chợ nào của xã Tường Tiến anh cũng đi để bán những sản vật nông nghiệp của nhà làm ra, rồi mua hàng hóa thiết yếu cho gia đình. Ở xã Kim Bon, bà con chủ yếu đi chợ Tường Tiến vì 2 xã giáp ranh nhau.

"Đến phiên chợ, người dân trong xã háo hức đi từ sớm, có cả người già, phụ nữ, trẻ em. Ngoài việc mua bán còn được gặp gỡ mọi người, được mua cái bánh, gói kẹo về làm quà cho con hoặc chỉ để ăn một bát phở, cái bánh rán...", anh Lềnh vui tươi nói.
Tranh thủ ngày nghỉ học, trẻ em được bố mẹ đưa đi chợ phiên và mua quần áo mới. 

Ông Triệu Văn Tiến, người dân tộc Dao ở bản Suối Lốm, xã Tường Phong (Phù Yên, Sơn La) cho biết: xã Tường Phong gần với xã Tường Tiến nên mỗi lần đến phiên chợ, người dân đều đi thuyền ra đây mua sắm cho tiện. Hàng hóa ở chợ đa dạng, phong phú, cần mua gì cùng có, giá cả hợp lý. Mỗi phiên chợ, bà con có buồng chuối, con lợn, con gà, hay ngô, sắn đều mang ra trao đổi hàng hóa. Đi chợ phiên, ngoài trao đổi, mua bán hàng hóa, ông còn được gặp gỡ nhiều người, được giao lưu với nhiều dân tộc khác nên ông thấy rất vui.

Còn với chị Mùi Thị Khuyên, xã Tân Phong (Phù Yên, Sơn La), chị chia sẻ: Chợ phiên sông Đà đối với chị như là một phần rất quan trọng trong cuộc sống vì phiên chợ nào của xã Tường Tiến chị cũng đi. Mỗi phiên chợ chị bán những sản phẩm của gia đình tự sản xuất như bắp ngô, mớ rau, bó măng, hay đơn giản chỉ là những bó đũa, bó tăm tự tay làm. Phiên chợ nào không đi, chị thấy nhớ cồn cào, chị đi chợ phiên không chỉ giao lưu hàng hóa, mà còn để cảm nhận cái không khí nhộn nhịp của chợ, những nét văn hóa đặc sắc của bà con vùng sông nước.

Cũng tại phiên chợ, chúng tôi gặp bà Hà Thị Án ở bản Pa, xã Tường Tiến (Phù Yên, Sơn La), bà Án năm nay cũng gần 80 tuổi nhưng phiên chợ nào cũng vậy cứ tới phiên là bà đi. Tới chợ phiên, lúc đi, có khi bà chỉ nải chuối chín, chai ớt rừng, mớ rau để bán. Lúc về, bà mang chai nước mắm, gói bột canh, cũng có khi chỉ là vài ba cái bánh, gói kẹo. Thế nhưng bà vẫn rất vui và háo hức với những phiên chợ như thế, bởi ở chợ phiên, bà Án được gặp gỡ với rất nhiều người, bà cảm thấy mình được sống lại một thời tuổi trẻ, tiếp xúc với nhiều người để có cơ hội học và rèn luyện vốn tiếng Kinh ít ỏi của mình.
Tại chợ phiên, bà con đưa đến những thứ mà gia đình làm ra để bán và mua yếu phẩm cần dùng. 

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Lường Văn Chung, Phó chủ tịch UBND xã Tường Tiến (Phù Yên, Sơn La) cho biết: Chợ phiên của xã Tường Tiến vẫn duy trì 10 ngày 1 phiên. Chợ phiên không chỉ là nơi giao thương, buôn bán các mặt hàng giữa miền xuôi và miền ngược mà còn là nơi giao lưu văn hóa tinh thần đậm chất vùng sông nước của bà con các xã vùng lòng hồ Sông Đà. Đây cũng là nơi bà con bán những sản vật của đồng bào như con gà, bó măng, buồng chuối, quả đu đủ, củ sắn, củ dong trồng được, ít rau rừng, các loại cá trên lòng hồ.... Mỗi phiên chợ, chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra các mặt hàng bán tại chợ, như hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng.... Có chợ phiên, các mặt hàng nông sản của người dân làm ra có nơi tiêu thụ thuận tiện, bà con cũng mua sắm hàng thiết yếu phục vụ gia đình, từ đó, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các vùng, miền, cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy chợ phiên Sông Đà không còn nhộn nhịp như trước nhưng là nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sơn cước ven sông. .

Chợ phiên Sông Đà vẫn duy trì 1 tháng 3 phiên nhưng những năm gần đây đã không còn tấp nập như trước. Hàng ngày, hàng hóa từ các nơi mang đến phục vụ tại bản nên sức mua ở các phiên chợ giảm. Trước đây, mỗi phiên chợ có khoảng 12-13 thuyền cập bến với 30-40 hộ thuê ki ốt bán hàng, nay mỗi phiên chợ nhiều cũng chỉ có 2-3 thuyền vào chợ vì hàng bán chậm, số người thuê ki ốt bán hàng cũng ít dần. Tuy vậy, chợ phiên vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng lòng hồ Sông Đà, huyện Phù Yên (Sơn La), là một nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sơn cước ven sông. Mỗi người đến chợ phiên nơi đây, ngoài mục đích mưu sinh còn có chung một niềm vui, đó là được gặp, gỡ, giao lưu và chia sẻ.

Theo : trangtraiviet. danviet. vn
Bài trước
Bài sau