11/12/22

Khám phá Di tích khảo cổ tiêu biểu về nền “Văn hóa Hòa Bình” ở tỉnh Hòa Bình

“Văn hoá Hoà Bình” tồn tại trong khoảng thời gian từ 30.000 năm đến 7.500 năm cách ngày nay. “Văn hoá Hoà Bình” được xác định là gạch nối giữa thời đại đá cũ (Văn hoá Sơn Vi - Phú Thọ) và thời đại đá mới (Văn hoá Bắc Sơn - Lạng Sơn). “Văn hoá Hoà Bình” không chỉ tồn tại trên đất nước Việt Nam mà còn phân bố rất rộng ở khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Philippines. Song, không ở đâu “Văn hoá Hoà Bình” lại dày đặc và phong phú như ở Việt Nam. Trong đó, rất nhiều các di vật tiêu biểu đã được tìm thấy trên vùng đất Hòa Bình, đã phản ánh đời sống xã hội và các phương thức sinh sống của người tiền sử tại Hòa Bình. Sự hiện diện của nền “Văn hoá Hoà Bình” là minh chứng khẳng định Việt Nam là một trong những chiếc nôi của loài người.

Cho đến nay có gần 120 di tích, di chỉ khảo cổ về Nền “Văn hoá Hoà Bình” đã được phát hiện ở Việt Nam, trong đó trên một nửa được phát hiện ở tỉnh Hòa Bình. Với nhiều di chỉ, di tích khảo cổ về nền “Văn hóa Hòa Bình” được tìm thấy trên địa bàn các nhà khảo cổ, nhà khoa học, nhà nhân chủng học đã xác định Hòa Bình là một trong những chiếc nôi của nền “Văn hóa Hòa Bình”. Đến với Hòa Bình hòa mình vào bản sắc văn hóa truyền thống, và thiên nhiên của núi rừng, du khách còn được khám phá về di tích khảo cổ học tiêu biểu của thời kỳ tiền sử

Dưới đây là một số di tích tiêu biểu về nền “Văn hóa Hòa Bình” ở tỉnh Hòa Binh:Di tích Hang Xóm Trại huyện Lạc Sơn


Tầng văn hóa tại Hang Xóm Trại trong đợt khai quật năm 2022

Di tích Hang Xóm Trại là địa điểm Văn hoá Hoà Bình tiêu biểu nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 2001. Di tích đã được các nhà nghiên cứu khảo cổ biết tới từ khá sớm. Từ khi phát hiện cho tới nay đã có tới 9 cuộc điều tra, thám sát, khai quật tại di tích. ( Lần đầu tiên vào năm 1975 và lần thứ 9 là vào năm 2022)

Có thể khẳng định Hang Xóm Trại là một di tích Văn hoá Hoà Bình khá tiêu biểu. Đây vừa là nơi cư trú lâu dài, vừa là công xưởng để chế tác công cụ của cư dân Văn hoá Hoà Bình. Cho đến nay, đây là di tích Văn hoá Hoà Bình có bộ di vật phong phú nhất về công cụ đá cũng như công cụ xương với các di tích Văn hoá Hoà Bình mà chúng ta đã khai quật. Qua nghiên cứu, tổng thể hiện vật đá ở đây cho thấy kỹ thuật chế tác công cụ đá khá điêu luyện. Sự có mặt một số lượng khá nhiều công cụ có kích thước to lớn đã làm phong phú thêm bộ di vật Văn hoá Hoà Bình và là tư liệu tốt để tìm hiểu các loại hình công cụ cùng sinh thái sinh hoạt kinh tế của văn hoá này. Việc phát hiện được các hạt gạo, vỏ trấu trong tầng văn hoá của hang Xóm Trại có thể là một minh chứng vật chất về một nền nông nghiệp trồng lúa sơ khai ở Văn hoá Hoà Bình.Di tích Hang Bưng huyện Tân Lạc


Di tích Hang Bưng huyện Tân Lạc

Hang Bưng là một địa điểm “Văn hoá Hoà Bình” có tầng văn hoá thuần nhất và được cấu tạo bởi một khối lượng lớn các loại vỏ ốc Mélania, lẫn với đất sét vôi. Cũng như nhiều địa điểm khác của nền “Văn hoá Hoà Bình” địa điểm hang Bưng có tính chất là một di chỉ cư trú lâu dài, việc chế tác công cụ được tiến hành tại chỗ và cũng là nơi chôn cất người chết.

Di vật tìm thấy ở hang Bưng rất phong phú, đặc biệt là sự có mặt số lượng lớn các loại nạo, mang nhiều đặc trưng về hình dáng gần gũi với những loại nạo của “Văn hoá Sơn Vi”,một nền văn hoá được coi là trước “Văn hoá Hoà Bình”. Đặc trưng là các loại nạo lưỡi ngắn, nạo lưỡi dài và nạo1/4 hòn cuội có hình bầu dục thường thấy ở “Văn hoá Sơn Vi”. Tuy nhiên về nguyên liệu và kỹ thuật chế tác không hoàn toàn giống nhau.Di tích Hang Chổ huyện Lương Sơn

Di chỉ hang Chổ được nhà khảo cổ học người Pháp bà M. Colani phát hiện và khai quật năm 1926. Di chỉ hang Chổ là nơi cư trú khá lâu của người nguyên thuỷ (thể hiện ở tầng văn hoá rất dầy). Căn cứ vào số lượng mảnh tước lớn, mảnh vỡ công cụ nhiều. Đồng thời còn phát hiện một số hạch đá có thể tích lớn (có vết bổ dở) là nguyên liệu chế tác công cụ chứng tỏ di tích hang Chổ còn là di chỉ xưởng. Di vật đá ở hang Chổ biểu hiện những đặc trưng của di vật văn hoá Hoà Bình. Công cụ làm bằng đá cuội chiếm đa số, trong đó bao gồm cả những hòn cuội nguyên và những loại làm từ mảnh cuội tách mỏng.

Về niên đại, hang Chổ trong tương quan với các di tích Hoà Bình khác. Hang Chổ có những yếu tố biểu hiện của một giai đoạn cao của Văn hoá Hoà Bình. Căn cứ vào tổng thể di vật có thể đã ra một khung niên đại tương đối của di tích trên dưới 10.000 năm trong giai đoạn chuyển tiếp sang trung kỳ đá mới ở nước ta.Di tích Hang Đồng Thớt, huyện Lạc Thủy

Hang Đồng Thớt là một di chỉ thuộc nền Văn hoá Hoà Bình, được Madeleine Colani đã phát hiện và khai quật năm 1926. Tầng văn hoá khảo cổ ở đây tuy dầy và chia thành nhiều lớp rõ rệt nhưng những di vật phân bổ trong đó không có những yếu tố đánh dấu sự khác nhau về giai đoạn phát triển của Văn hoá Hoà Bình.

Về niên đại: Căn cứ vào di vật, địa tầng trong mối tương quan với các di tích khác của nền Văn hoá Hoà Bình cho phép chúng ta đưa ra một khung niên đại tương đối cho di chỉ này từ 10.000 - 7.000 năm cách ngày nay.Di tích Hang Khoài huyện Mai Châu


Một số hiện vật tiêu biểu tại di tích

Di tích khảo cổ Hang Khoài không chỉ là di chỉ cư trú mà còn là công xưởng chế tác công cụ cảu người nguyên thủy. Tầng văn hoá di chỉ hang khoài cấu tạo từ loại đất sét vôi phong hoá. Mầu sắc và độ kết vón của đất tầng văn hoá cũng như đặc điểm di vật động vật, di vật đá đã xác nhận tồn tại hai mức phát triển sớm, muộn của tiền sử hang Khoài. Mức dưới hay giai đoạn sớm mang sắc thái văn hoá Sơn Vi, giai đoạn sau mang sắc thái văn hoá Hoà Bình.

Di chỉ Hang Khoài nằm trong khung niên đaị kỹ nghệ cuội Việt Nam kéo dài từ 33.000 năm đến 7.500 năm cách ngày nay. Trong di chỉ này vừa có yếu tố Sơn Vi, vừa có yếu tố Hoà Bình có thể là kết quả giao tiếp giữa hai văn hoá này và có thể xảy ra trong khoảng thời gian song song tồn tại cuả chúng. Nghĩa là niên đại tuyệt đối của di chỉ Hang Khoài từ 17.000 năm đến 11.000 năm cách ngày nay.

Trên cơ sở công cụ sản xuất và đặc điểm di cốt động thực vật trong hang Khoài có thể xác nhận rằng: di chỉ hang Khoài có thể nằm trong bước chuyển biến từ kinh tế săn bắt hái lượm sang kinh tế sản xuất sơ khai. Săn bắt nhất là động vật lớn không phát triển, trong khi đó hái lượm đặc biệt là thảo mộc và nhuyễn thể phát triển mạnh mẽ.
Bài trước
Bài sau